Thời tiền sử và cổ đại Lịch_sử_Áo

Thời đại đồ đá cũ

Vệ nữ Willendorf có niên đại khoảng 25.000 năm trước Công nguyên, hiện được bảo quản ở Bảo tàng Naturhistorisches, Vienna.

Dãy Alps không thể tiếp cận được vào Kỷ Băng hà nên con người không thể cư ngụ ở đây cho đến thời kỳ đồ đá cũ giữa, thời kỳ của người Neanderthal. Những dấu vết lâu đời nhất về sự cư trú của con người ở Áo là từ hơn 250.000 năm trước, được tìm thấy trong hang động Repolust tại Badl, gần Peggau thuộc quận Graz-UmgebungSteiermark. Dấu vết bao gồm các công cụ bằng đá, bằng xương và mảnh gốm cùng với hài cốt của động vật có vú. Một số hiện vật 70.000 năm tuổi được tìm thấy trong hang Gudenus ở tây bắc Hạ Áo.

Những di tích thời kỳ đồ đá cũ muộn xuất hiện nhiều hơn ở Hạ Áo. Những di chỉ được biết đến nhiều nhất là ở vùng Wachau, gồm các di chỉ của hai tác phẩm nghệ thuật lâu đời nhất ở Áo. Đây là các tượng Vệ nữ Galgenberg được tìm thấy gần Stratzing có niên đại 32.000 năm tuổi và Vệ nữ Willendorf gần đó (26.000 năm tuổi) được tìm thấy tại Willendorf, gần Krems an der Donau. Năm 2005, cũng trong khu vực này, một khu chôn cất trẻ sơ sinh đôi được phát hiện tại Krems-Wachtberg, có niên đại từ văn hóa Gravette (27.000 tuổi). Đây là ngôi mộ cổ nhất được tìm thấy ở Áo cho đến nay.[3][4]

Thời đại đồ đá giữa

Di tích thời kỳ đồ đá giữa bao gồm các hang đá (abris) ở hồ ConstanceThung lũng sông Rhein vùng Alp, một địa điểm mai táng tại Elsbethen và một số địa điểm khác với các hiện vật đồ đá nhỏ thể hiện sự chuyển đổi từ cuộc sống săn bắn hái lượm sang cuộc sống nông dân và chủ trang trại ít di chuyển.

Thời đại đồ đá mới

Trong thời kỳ đồ đá mới, hầu hết các khu vực ở Áo có thể sản xuất nông nghiệp và có thể định cư. Những di chỉ còn lại bao gồm văn hóa gốm Linear, một trong những nền văn hóa nông nghiệp đầu tiên ở châu Âu. Khu dân cư nông thôn đầu tiên được ghi nhận ở thời này là ở Brunn am Gebirge, Mödling. Di tích công nghiệp đầu tiên của Áo là mỏ chert ở Mauer-Antonshöhe ở Mauer gần quận Liesing phía nam Vienna có từ thời kỳ này. Trong văn hóa Lengyel, sau Văn hóa gốm Linear ở Hạ Áo, hào tròn được xây dựng.

Thời đại đồ đồng đá

Dấu vết của thời đại đồ đồng đá (thời đại Chalcolithic) ở Áo đã được xác định ở nơi chôn giấu kho báu Stollhof thuộc lòng chảo Karpat, Hohe Wand, Hạ Áo. Các khu định cư trên đỉnh đồi từ thời đại này phổ biến ở miền đông nước Áo. Trong thời gian này, cư dân đã tìm kiếm và phát triển nguồn nguyên liệu thô ở khu vực trung tâm vùng Alp. Phát hiện khảo cổ quan trọng nhất là Người băng Ötzi, một xác ướp được bảo quản tốt của một người đàn ông bị đóng băng trên dãy Alps có niên đại khoảng 3.300 năm trước Công nguyên dù những phát hiện này hiện nay thuộc Ý gần biên giới Áo. Nhóm Mondsee, đại diện bởi những ngôi nhà sàn ở các hồ trong vùng Alp.

Thời đại đồ đồng

Vào đầu thời đại đồ đồng, các công sự đã xuất hiện để bảo vệ các trung tâm thương mại khai thác, chế biến và buôn bán đồng và thiếc. Nền văn hóa hưng thịnh này được phản ánh trong các hiện vật trong mộ tại Pitten ở Nußdorf ob der Traisen, Hạ Áo. Vào cuối thời đại đồ đồng đã xuất hiện nền văn hóa Urnfield, trong đó, việc khai thác muối mỏ bắt đầu ở các mỏ muối phía bắc Hallstatt.

Thời đại đồ sắt

Giày da từ văn hóa Hallstatt, 800–400 trước Công nguyên.

Thời đại đồ sắt ở Áo được đại diện bởi văn hóa Hallstatt kế tục văn hóa Urnfield, chịu ảnh hưởng từ các nền văn minh Địa Trung Hải và các dân tộc thảo nguyên. Thời kỳ này dần dần chuyển thành văn hóa La Tène của người Celt.

Văn hóa Hallstatt

Hallstatt (800 TCN: vàng đậm; 500 TCN: vàng nhạt) và La Tène (450 TCN: xanh lục đậm; 50 TCN xanh nhạt)

Văn hóa Hallstatt đầu thời kỳ đồ sắt được đặt theo tên một di tích điển hình ở Thượng Áo. Văn hóa này thường được mô tả theo hai khu vực, phía Tây và phía Đông, chảy qua các sông Enns, YbbsInn. Khu vực Tây Hallstatt tiếp xúc với người Hy Lạp thuộc địa trên bờ biển Liguria. Trên dãy Alps, các mối liên hệ với người Etrusca và các vùng ảnh hưởng của Hy Lạp ở Ý vẫn được duy trì. Phía Đông Hallstatt có liên kết chặt chẽ với các dân tộc thảo nguyên đã đi qua lòng chảo Karpat từ thảo nguyên phía nam nước Nga.

Dân Hallstatt trở nên giàu có nhờ khai thác muối. Nhập khẩu hàng hóa xa xỉ trải dài từ vùng biển phía Bắc và Baltic đến châu Phi đã được phát hiện tại nghĩa trang ở Hallstatt. Hiên vật lâu đời nhất về ngành sản xuất rượu của Áo được phát hiện ở Zagersdorf, Burgenland trong một ụ mộ. Xe thờ Strettweg, Steiermark là bằng chứng về đời sống tôn giáo đương thời.

Văn hóa La Tène (người Celt)

Sau thời đại đồ sắt, văn hóa La Tène của người Celt đã lan sang Áo. Nền văn hóa này đã hình thành nên các bộ lạc và các tên địa danh địa phương đầu tiên được ghi nhận (Taurisci, Ambidravi, Ambisontes). Ngoài các bộ lạc ở Noricum (thế kỷ 2 đến khoảng 15 TCN) ) còn có một liên minh của các bộ lạc người Celt vùng Alps (theo ghi nhận là mười hai bộ lạc) dưới sự lãnh đạo của Norici. Nó được giới hạn ở phía nam và phía đông nước Áo ngày nay và một phần của Slovenia. Phía tây nơi người Rhaeti định cư.

DürrnbergHallein (Salzburg) là các khu định cư khai thác muối của người Celt. Ở phía đông Steiermark và Burgenland (ở Oberpullendorf), quặng sắt chất lượng cao được khai thác và xử lý rồi xuất khẩu sang La Mã dưới dạng ferrum noricum (sắt noricum). Điều này dẫn đến việc hình thành của một tiền đồn thương mại của người La Mã ở Magdalensberg vào đầu thế kỷ 1 TCN, sau đó được thay thế bởi thị trấn Virunum của La Mã. Các khu định cư kiên cố trên đỉnh đồi (oppida) như Kulm (đông Steiermark), Idunum (ngày nay là Villach), Burg (Schwarzenbach) và Braunsberg (Hainburg) là trung tâm của đời sống cộng đồng. Một số thành phố như Linz (Lentos) cũng có từ thời kỳ này.

Thời La Mã

Xem thêm: Raetia, Noricum, và Pannonia
Tỉnh Noricum trong Đế chế La Mã.

Mặc dù Noricum và La Mã đã từng là đối tác thương mại tích cực và đã hình thành các liên minh quân sự. Vào khoảng năm 15 trước Công nguyên, phần lớn những gì chúng ta biết đến bây giờ là Áo đã bị sát nhập vào Đế chế La Mã, mở đầu 500 năm "Áo thuộc La Mã" (như đã biết vào thế kỷ 19). Noricum trở thành một tỉnh của Đế chế La Mã.

Dưới thời trị vì của Hoàng đế Claudius (41–54 SCN), tỉnh Noricum có ranh giới ở phía bắc sông Danube, phía đông bắc là rừng Vienna và phía đông gần trùng với biên giới phía đông hiện tại của Steiermark còn ở phía đông nam-nam giáp sông Eisacksông Drau. Dưới thời Diocletianus (284–305), tỉnh này bị chia cắt dọc theo các rặng núi Alps chính thành phía bắc (Noricum ninense) và phía nam (Noricum Địa Trung Hải). Qua Ziller ở phía tây (tương ứng với các tỉnh VorarlbergTyrol hiện nay) là tỉnh Rhaetia, hợp nhất với lãnh thổ trước đây của Vindelicia. Ở phía đông là Pannonia, bao gồm cả vùng ngày nay là Burgenland. Phía nam là Vùng 10, Venetia et Histria.[5] Sông Danube hình thành nên Biên thành Danube (Biên thành Danubii), một tuyến phòng thủ ngăn cách Thượng và Hạ Áo với các bộ lạc Đức MarcomanniQuadi.

Người La Mã đã xây dựng nhiều thành phố vẫn tồn tại đến ngày nay như Vindobona (Vienna), Juvavum (Salzburg), Valdidena (Innsbruck) và Brigantium (Bregenz).[6] Các thị trấn quan trọng khác là Virunum (phía bắc Klagenfurt hiện nay), Teurnia ( gần Spittal) và Lauriacum (Enns). Các địa điểm khảo cổ quan trọng từ thời La Mã bao gồm Großklein (Steiermark) và Zollfeld (Magdalensberg).

Cơ đốc giáo xuất hiện ở Áo vào thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên, tổ chức Giáo hội phát triển từ thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên. Sau sự xuất hiện của người Baiuvarii, Áo trở thành đối tượng của các nỗ lực truyền giáo, chẳng hạn như Rupert và Virgil của sứ mệnh truyền giáo Hiberno-người Scotland.

Lịch sử của La MãĐế chế Byzantine ở các lãnh thổ hiện đại

Thời đại di cư

Lộ trình của các cuộc xâm lược của người man rợ, 100–500 sau Công nguyên.

Giai đoạn đầu: người Goth, 300–500 sau Công nguyên

Cuộc Đại di cư (Völkerwanderung) đã đánh dấu sự suy giảm quyền lực của La Mã ở Áo. Trong Giai đoạn đầu (300–500 SCN), Đế chế La Mã ngày càng bị quấy rối bởi các bộ tộc Đức như người Gothngười Vandal từ thế kỷ V. Khi kết cấu của Đế chế La Mã sụp đổ, khả năng tự vệ của Raetia, Noricum và Pannonia ngày càng trở nên khó khăn. Radagaisus chiếm lĩnh một phần La Mã vào năm 405. (Géza Alföldy trang 213–4). Sau một số cuộc đột kích vào đất Ý, người Visigoth dưới quyền của Alaric I đến đây vào năm 408.[7]

Theo mô tả của Zosimus, Alaric xuất phát từ Emona (Ljubljana ngày nay) nằm giữa Thượng PannoniaNoricum, vượt núi Carnic thuộc dãy Alps để đến Virunum ở Noricum sau khi được tướng La Mã Stilicho chấp thuận sau một số cuộc giao tranh giữa hai người. Alaric đã được Thượng viện La Mã trả một số tiền lớn để cầu hòa theo sự xúi giục của Stilicho.[8] Từ đó, ông chỉ đạo các chiến dịch đánh Ý, chiếm Noricum cùng một số lãnh thổ khác, cuối cùng cướp phá thành Roma vào năm 410 nhưng chết trên đường về nhà cùng năm đó.[9]

Người Visigoth cuối cùng đã sống ở đây trong một thời gian ngắn ổn định ngoài những xáo trộn trong nước vào năm 431. (Alföldy trang 214). Năm 451, người Hung đến và vào năm 433, Pannonia phải sơ tán dưới các cuộc tấn công của người Hung. Sau cái chết của Attila vào năm 453, người Ostrogoth phân chia đế chế Hung của ông ta. Nhiều bộ lạc trước đây thuộc đế chế Hung nay bắt đầu định cư dọc theo lòng chảo sông Danube và khẳng định nền độc lập của họ. Trong số này có người Rugii, những người đã thành lập vùng đất của riêng họ (Rugiland) trên sông Danube và bắt đầu áp đặt ý chí của họ lên Noricum.

Từ năm 472, người Ostrogothngười Alamanni xâm lược khu vực này nhưng không khuất phục được nó. Ngay cả sau khi Odoacer lật đổ Hoàng đế Tây La Mã cuối cùng vào năm 476, vẫn còn tàn tích của chính quyền La Mã ở các tỉnh trước sự sụp đổ cuối cùng của Hậu Cổ đại ở khu vực này (xem Severinus của Noricum và Flaccitheus). Noricum cuối cùng bị bỏ hoang vào năm 488,[10] trong khi Raetia bị La Mã bỏ lại cho người Alamanni.

Các thị trấn và nhà bị bỏ hoang và bị tàn phá dần rơi vào tình trạng lộn xộn trong thế kỷ 4 và 5. Đến năm 493, khu vực này là một phần lãnh thổ của vua Ostrogoth Theodoricus Cả và không còn ảnh hưởng của La Mã. Sự sụp đổ của đế chế Ostrogoth bắt đầu sau cái chết của ông vào năm 526.

Giai đoạn thứ hai: người Slav và Bayern, 500–700 sau Công nguyên

Trong giai đoạn thứ hai của Thời đại di cư (500–700 sau Công nguyên), Langobardii (người Lombard) xuất hiện một thời gian ngắn ngủi ở các vùng phía bắc và phía đông vào khoảng năm 500 sau Công nguyên nhưng đã bị người Avar xua đuổi đến phía nam vào miền bắc nước Ý vào năm 567. Người Avar và những người Slav chư hầu của họ đã tự lập từ biển Baltic đến Balkan.[11] Sau khi người Avar thất bại ở phía đông vào năm 626, người Slav đã nổi dậy thành lập lãnh thổ riêng. Người Slav vùng Alps (Carantanii) đã bầu một người Bayern là Odilo làm bá tước của họ và chống lại sự chinh phục của người Avar.

Bộ lạc Slav của người Quarantani di cư về phía tây dọc theo sông Drava vào Đông Alps sau sự bành trướng của các lãnh chúa Avar trong thế kỷ thứ 7, trộn lẫn với dân Celto-Romanic và thành lập vương quốc Carantania (sau này là Kärnten), bao phủ phần lớn lãnh thổ phía đông và trung tâm Áo và là nhà nước của người Slav độc lập đầu tiên ở châu Âu, trung tâm quyền lực nằm ở Zollfeld. Cùng với dân bản địa, họ có thể chống lại sự xâm lấn sâu hơn của người Frank và người Avar lân cận ở đông nam Alps.

Trong khi đó, bộ lạc Đức của người Bavarii (người Bayern), một chư hầu của người Frank đã phát triển vào thế kỷ thứ 5 và thứ 6 ở phía tây của đất nước và ở nơi ngày nay là Bayern, trong khi đó, vùng đất ngày nay là Vorarlberg đã được định cư bởi người Alemani. Ở vùng núi cao phía bắc, người Bayern đã thành lập một công quốc bộ lạc vào khoảng năm 550 sau Công nguyên dưới sự cai trị của nhà Agilolfinger cho đến năm 788 như một tiền đồn phía đông của Đế quốc Francia. Vào thời điểm đó, các vùng đất do người Bayern chiếm đóng mở rộng về phía nam đến Nam Tyrol hiện nay và phía đông đến sông Enns. Trung tâm hành chính ở Regensburg. Những nhóm này đã trộn lẫn với người Rhaeto-Romanic và sống đến tận vùng núi dọc thung lũng Puster.[12]

Ở phía nam nước Áo ngày nay, các bộ lạc Slav đã định cư tại các thung lũng sông Drava (sông Drau trong tiếng Đức), MuraSave vào năm 600 sau Công nguyên. Sự di cư của người Slav về phía tây đã ngăn chặn sự di cư của người Bayern về phía đông vào năm 610. Sự mở rộng lớn nhất về phía tây của họ đã đạt được vào năm 650 tại thung lũng Puster (Pustertal) nhưng dần dần lui trở lại sông Enns vào năm 780.[11] Ranh giới định cư giữa người Slav và người Bayern tương ứng với một đường từ Freistadt qua Linz, Salzburg (Lungau) đến Đông Tyrol (Lesachtal), người Avar và người Slav chiếm đóng miền đông Áo và Čechy (Bohemia) ngày nay.

Dưới áp lực của người Avar, Carantania đã trở thành một nước chư hầu của Bayern vào năm 745 và sau đó được sáp nhập vào đế chế Carolus, trở thành một phiên hầu quốc bộ lạc đầu tiên dưới thời các công tước người Slav. Sau cuộc nổi dậy thất bại của Ljudevit Posavski vào đầu thế kỷ thứ 9, Carantania nằm dưới sự cai trị bởi các quý tộc người Frank được bổ nhiệm. Trong những thế kỷ tiếp theo, những người định cư ở Bayern đã đi dọc theo sông Danube và lên dãy Alps, một quá trình mà qua đó biến Áo trở thành quốc gia chủ yếu nói tiếng Đức như ngày nay. Chỉ ở miền nam Kärnten, cộng đồng người Slav còn duy trì ngôn ngữ và bản sắc của mình cho đến đầu thế kỷ 20 khi một quá trình đồng hóa biến họ thành nhóm thiểu số.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lịch_sử_Áo http://www.fraueninbewegung.onb.ac.at/Pages/Histor... http://www.aeiou.at/aeiou.film.data.film/o254a.mpg http://www.akustische-chronik.at/ http://en.doew.braintrust.at/doew.html http://www.wien.gv.at/english/history/commemoratio... http://www.staatsvertrag.at/ http://www.wagna.at/flaviasolva/sites/flavia2.html http://rbedrosian.com/Ref/Bury/ieb6.htm http://senses-artnouveau.com/biography.php?artist=... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,8...